Để học tiếng nhật hay bất cứ thứ tiếng nào trên thế giới, điều đầu tiên là học chữ cái. Và bảng chữ cái tiếng Nhật chính là điểm bắt đầu cho những ai đam mê thứ tiếng này.Nhìn vào thì có thể nhiều bạn cảm thấy thực sự khó học nhưng nếu bạn áp dụng các hướng dẫn trong bài viết này, mình chắc chắn với bạn là bạn sẽ học thuộc nó trong vòng 3 ngày. Riêng mình, mình chỉ học thuộc bảng chữ cái này trong vòng 1 ngày mà thôi. Vậy bí quyết để thực hiện tốt điều này nằm ở đâu?
Bảng chữ cái tiếng Nhật Hiragana
Điều đầu tiên là bạn biết được trong bảng chữ cái Hiragana có 46 chữ cái với 5 hàng gồm những nguyên âm: a, i, u, e, o và 9 cột với những âm gồm: k, s, t, n, h, m, r, y, w và chữ n riêng biệt. Bạn có thể xem hình và cách phát tiếng việt âm kèm hình ở bên dưới.

Bắt đầu từ đây, mình mong rằng các bạn hãy đọc kỹ và áp dụng theo trình tự như sau đây. Nhưng trước khi đọc, bạn cần lưu ý là khi phát âm chữ cái, bạn hãy chỉ tay vào chữ đó và tập trung nhìn nó để nhớ nó nhé!
Bước 1:
Ở hàng đầu tiên, bạn hãy phát âm và nhớ 5 chữ nguyên âm ở hàng này gồm chữ a, i, u, e và o. Sau khi nhớ 5 chữ cái này việc bạn phải nhớ tiếp theo đó là nhớ 7 từ ở 7 cột sau gồm k, s, t, n, h, m và r. Mình muốn bạn nhớ các chữ này vì cứ mỗi dòng tiếp theo, các từ này sẽ ghép với 5 nguyên âm trên để tạo ra âm cho các chữ cái.
Ví dụ như hàng thứ 2 sẽ là chữ k, tức là phát âm của nó là ka, ki, ku, ke và ko. Bạn hãy đọc đi đọc lại từ 5 đến 7 lần các chữ đó để nhớ rồi sau đó chuyển qua bước 2.
Bước 2:
Sau khi đã thuộc các từ rồi thì việc tiếp theo là bạn hãy ráp vào và đọc to cách phát âm theo từng hàng. Lúc này khi đã nhớ các từ rồi thì việc của bạn là chỉ tay vào và đọc to chữ cái mà thôi. Bạn hãy đọc nó từ 7 đến 10 lần bảng chữ cái.
Nếu bạn đã đọc đến lần thứ 10 thì mình tin chắc rằng bạn sẽ nghĩ là “A! giờ không cần nhìn chữ mình vẫn có thể đọc thuộc bản chữ được”. Và khi đó, việc bạn làm tiếp theo cực kì đơn giản. Hãy thử không nhìn bảng chữ Hiragana mà đọc từng chữ. Vừa đọc, bạn hãy thử lấy ngón tay trỏ vẽ lên không trung từ mà bạn vừa đọc. Hãy cố gắng nhớ lại từ đó trong đầu bạn và vẽ nó ra ngoài không trung nhé!
Lưu ý:
Bạn chỉ vẽ trong không trung thôi chứ đừng viết lên giấy nhé. Nếu bạn là học sinh hay là người lớn, tốt nhất đừng chọn cách viết ra để thuộc. Nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cách viết chữ của bạn sau này. Nếu bạn có con và con bạn còn nhỏ mà muốn học tiếng Nhật, thì hãy kéo bài viết này về cuối cùng, mình có hướng dẫn cách học bảng chữ cái tiếng Nhật cho bé nhé!
Bước 3:
Sau khi bạn đã thấy bước 2 ổn rồi, điều tiếp theo bạn cần làm là in một bảng chữ cái tiếng Nhật ra giấy (nhớ là không có phần phiên âm tiếng Việt). Hãy cắt chúng thành những tấm thẻ và mỗi thẻ chứa một chữ cái. Bạn hãy úp lại và bắt đầu học. Hãy lấy lên cho mình 1 thẻ và đọc to chữ cái đó. Làm nhiều lần bạn sẽ nhớ được mặt chữ thôi nhé!
Bước 4:
Còn lại 6 chữ là ya, yu, yo, wa, wo và n (um) là 6 chữ không giống lắm so với các chữ kia. Bạn sử dụng cách trong bước 2 và bước 3 là có thể học thuộc nó một cách dể dàng rồi nhé!
Những lưu ý khi học tiếng Nhật
Vì tiếng Nhật theo kiểu chữ tượng hình nên rất khó nhớ, bạn sẽ mau nản khi áp dụng cách trên nhưng hãy kiên trì bạn nhé. Kiên trì cũng là một châm ngôn sống của người Nhật. Khi bạn học tiếng của họ bạn cũng có thể hiểu thêm về con người Nhật Bản đó.
Ngoài ra, nếu đã học tiếng Nhật và có ý định theo thứ tiếng này, bạn hãy xác định cho bản thân rằng ngày nào bạn cũng hãy đọc hoặc xem qua thứ tiếng này và học nó hằng ngày bởi vì chỉ cần bạn quên không học nó một thời gian thôi thì bạn sẽ mau quên và có khi sẽ quên hoàn toàn luôn đấy!
Nhiều bạn chọn học ở trung tâm ngoại ngữ cũng nên lưu ý điều này. Nếu bạn học dù đã cố gắng nhưng không thể hiểu được thứ tiếng này, rất có thể là bạn đã không thích hợp với loại ngôn ngữ tượng hình này rồi. Bạn hãy thử chuyển qua một thứ tiếng khác một thời gian rồi quay lại học tiếng Nhật nhé!
Ngoài ra, nếu bạn học ở một trung tâm mà cảm thấy không phát triển tiếng được, hãy thử chuyển qua một trung tâm khác với cách học khác xem mình có phù hợp không nhé!
Bảng chữ cái Katakana
Bảng chữ cái Katakana có cách phát âm cũng giống bảng chữ Hiragana. Về cơ bản thì trong bảng Katakana cũng có nhiều chữ cái gần giống Hiragana. Chính vì vậy mà việc học bảng chữ cái này sẽ nhanh hơn bảng chữ Hiragana rất nhiều. Bảng chữ Katakana này dùng để nhấn mạnh một từ nào đó hoặc dùng để phiên âm tiếng Anh.
Nên khi ở những bài học sơ cấp, bạn rất ít dùng nó. Chính vì vậy, mình khuyên bạn chỉ nên học sơ qua để nhớ mặt chữ thôi. Mình cá rằng cho tới khi bạn xong N5, đụng tới N4 hay N3 (đặc biệt là N3) bạn mới thấy bảng chữ này dùng rất nhiều. Còn N5 thì chỉ học để nhớ mặt chữ là được rồi nhé!

Bạn cũng chỉ cần áp dụng theo cách mà mình viết ở trên là có thể thuộc bảng chữ cái này rồi nhé!
Sự khác nhau của 3 bảng chữ Hiragana, Katakana và Kanji
Chữ Hiragana (chữ mềm), Katakana (chữ cứng) và Kanji (hán tự) là ba kiểu chữ được sử dụng phối hợp với nhau trong tiếng Nhật. Vậy 3 kiểu chữ này khác nhau như thế nào và dùng nó ra sao?
Chữ Hiragana (chữ mềm): trong cách viết, nét chữ mềm mại, sử dụng thể hiện những sự vật hiện tượng hiện hữu vốn có trong đời sống người Nhật.
Chữ Katakana (chữ cứng): trong cách viết, nét chữ cứng và thẳng hơn, thể hiện cho những sự vật hiện tượng ngoại lai ví dụ như phiên âm tiếng nước ngoài (tiếng anh, tiếng trung, v.v..) hoặc phiên âm những sự vật hiện tượng mà ở Nhật vốn không có (các loại cây, trái v.v..). Đôi khi chữ cứng được sử dụng để nhấn mạnh ý muốn nói trong văn viết (thay vì dùng chữ mềm thì sử dụng chữ cứng).
Về Kanji, vốn là từ hán tự mượn từ tiếng Trung phồn thể, sau đó được người Nhật sử dụng để thể hiện cho rõ nghĩa (vì lí do nhiều chữ đồng âm, hoặc tinh gọn chữ viết). Một số Kanji không có trong bảng chữ tiếng Trung mà do người Nhật tự sáng tạo nên.
Cách học khác dành cho những bạn cảm thấy rằng cách trên không phù hợp
Mình từng đi dạy cho nhiều bạn và có bạn áp dụng cách của mình thì thuộc bảng chữ trong 1 ngày cũng có, 2 ngày cũng có mà nữa ngày cũng có. Nhưng cũng có bạn áp dụng cách mình mà tận 1 tuần vẫn không nhớ được. Vậy thì nếu bạn cũng như vậy, bạn hãy thử áp dụng các cách sau đây xem sao nhé!
Hãy viết ra giấy
Như lưu ý ban nãy là bạn không nên viết ra giấy vì sẽ ảnh hưởng đến cách viết chữ sau này. Nhưng thực tế là có nhiều học trò của mình đã viết ra giấy và cho rằng cách đó lại giúp họ nhớ nhanh hơn. Bạn hãy thử cách này xem sao nhé. Nhưng lời khuyên của mình là sau khi thuộc chữ cái thì bạn hãy mua cho mình một quyển tập viết chữ tiếng Nhật (bán đầy trong hiệu sách đó các bạn) và tập viết nó. Như vậy nó sẽ giúp bạn định hình lại nét chữ của bạn hơn nhé!
Học trên điện thoại
Nhiều bạn khác lười làm các bước 2 và 3 thì mình lại hướng dẫn bạn tải các App về điện thoại để học. Hiện giờ thì mình thấy ai cũng có smartphone rồi nên việc tải App về học cũng không có gì khó khăn phải không nào. Hãy thử tải app về và học nó mọi lúc mọi nơi bạn nhé!
Học chung với từ vựng
Nhiều bạn khác thì lại học mà nhớ “mang máng” thì nên vừa học bảng chữ cái vừa phát âm từ vựng. Tức là vừa học từ vựng vừa học chữ cái. Cái này bạn hãy mua một cuốn Minano Nihongo từ vựng, tìm 5 từ vựng chứa chữ cái mà bạn muốn học. Sau đó bạn học từ vựng và học cả chữ cái luôn sẽ giúp bạn nhớ cả 2 chữ. Tuy nhiên cách này sẽ tốn khá nhiều thời gian đó nhé!
Cách học tiếng Nhật cho bé
Nếu con nhà bạn muốn học tiếng Nhật tại nhà, bạn hãy thử làm theo 2 bước sau nhé. Đầu tiên bạn hãy cho bé nhìn sơ qua bảng chữ cái và chỉ bé cách đọc từng chữ. Làm chậm thôi nhé. Bước tiếp theo hãy lên Youtube và gõ “học bảng chữ cái tiếng Nhật qua bài hát”. Hãy dạy cho bé hát và khen bé nhiều nhé! Như vậy bé sẽ chịu hát hơn và từ đó dể thuộc bảng chữ cái hơn. Đừng ép bé học theo cách mà mình hướng dẫn ở trên nhé! Bé sẽ chẳng chịu học đâu!
Kết luận
Nếu bạn có đam mê về tiếng Nhật, muốn học hỏi thứ tiếng này để giúp cho công việc của mình, để giao tiếp với đồng nghiệp hay để làm phiên dịch, dịch thuật chẳng hạn, thì hãy học cho kỹ bảng chữ Hiragana và Katakana nhé! Nó là nền tảng cơ bản nhất để bước vào thứ tiếng này đấy.
Trong tiếng Nhật còn có bảng chữ Kanji nữa. Nếu bạn muốn học để nghiên cứu sâu về dịch thuật tiếng Nhật thì hãy học nhiều Hán tự vào nhé! Hán tự rất khó thuộc. Vì vậy, khi học phải kiên trì từng chút một thì bạn mới có thể thành công được.
Nói chung, tiếng Nhật lúc mới ban đầu thì rất khó. Nhưng khi bạn đã đạt cấp N3 rồi thì mọi thứ sẽ trở nên dể dàng hơn. Bạn cũng có thể tự học sau khi đạt N3. Điều quan trọng là hãy kiên trì bạn nhé! Mong rằng bài viết về cách học thuộc bảng chữ cái tiếng Nhật này sẽ là thông tin hữu ích cho bạn. Hãy chuẩn bị tinh thần bước vào công việc học tiếng Nhật của mình.
Chúc các bạn thành công!